Mục lục

aisas-marketing-1

Sử dụng AISAS hiệu quả trong Marketing

AISAS là gì? Chi tiết mô tả AISAS

AISAS là mô hình Marketing do Dentsu phát triển từ 2004 đã thu hẹp quy trình dịch chuyển tâm lý (AIDM), còn Hành động lại được mở rộng thành tìm kiếm, Hành động và Chia sẻ để thích hợp hơn với nhu cầu marketing hiện đại. AISAS làm thuật ngữ viết tắt bởi 5 từ đại diện cho 5 trạng thái (stage) của mô hình: A (Awareness) – I (Interest) – S (Search) – A (Action) – S (Share).

Với kinh nghiệm của VIG, AISAS là mô hình triển khai Digital Marketing hiệu quả, tinh gọn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Bởi nhờ sự đơn giản và tổng quan của AISAS, bạn có thể xây dựng một kế hoạch Digital Marketing (thậm chí là IMC – Intergrated Marketing Communication) trong khoảng 1-2 tuần và đưa vào thực thi.

Trong bài viết này, VIG sẽ giải thích rõ các khái niệm quan trọng trong mô hình AISAS, cũng như kinh nghiệm thực tế khi sử dụng AISAS.

aisas-marketing-2

Chúng ta cùng nhau đi qua ý nghĩa của từng từ.

1. Awareness

Mục tiêu: thu hút sự chú ý của khách hàng mục tiêu. Ở stage này, chúng ta xem khách hàng gần như không có khái niệm, hoặc không hề quan tâm đến sản phẩm, dịch vụ của của mình. Awareness có thể gọi là trạng thái đầu phễu, nếu chúng ta làm không tốt thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả ở những giai đoạn sau.

Kinh nghiệm của VIG, để đạt được awareness tốt, bạn phải tiếp cận đúng người (chất lượng tiếp cận) và đủ nhiều (số lượng tiếp cận, tần suất tiếp cận) để khách hàng mục tiêu tiếp xúc đủ nhiều với thương hiệu, để họ có cơ hội quan tâm và nhớ đến thương hiệu. Còn họ có nhớ, có ấn tượng (tốt hoặc xấu) hay không thì cần đến chất lượng nội dung & hình ảnh ở stage sau.

Kênh thường dùng trong giai đoạn này là các kênh Push Media như Facebook Ads, Instagram Ads, Tik Tok, Youtube… sẽ hiệu quả hơn. Nhắc lại, trước giai đoạn này, khách hàng chưa có khái niệm về thương hiệu, nên chúng ta cần chủ động đẩy thông tin đến họ. Sẽ càng hiệu quả hơn nếu chúng ta làm đủ tốt để có thể Word of Mouth và Viral.

Chỉ số đo lường quan trọng:

  • Target Audience (đối tượng mục tiêu): cần chính xác về nhân khẩu học, vị trí địa lý, hành vi thông thường
  • Impression (lượt tiếp cận): số lượng người mà quảng cáo của mình tiếp cận được
  • Frequency (tần suất quảng cáo): số lượng hiển thị trung bình cho 1 người. Chỉ số này thường >=2 để người xem có thể nhớ được thương hiệu. Sẽ không có một con số lý tưởng. Nếu đủ ngân sách và nội dung chất lượng, cứ hiển thị càng nhiều càng tốt.

2. Interest

Mục tiêu: thu hút sự quan tâm của người xem. Thông thường, Interest và Awarness được triển khai & đo lường cùng với nhau vì 2 stage này liên quan chặt chẽ với nhau. Để có thể gây ấn tượng tốt, đòi hỏi nhiều tính sáng tạo và chất lượng nội dung (văn bản, hình ảnh, bố cục, màu sắc…) đáp ứng đúng các pain & gain của người xem.

aisas-marketing-4

Nếu chất lượng nội dung không thu hút được sự quan tâm, và kết hợp với tần suất lặp lại nhiều, chúng ta rất dễ gây ra sự phiền phức cho người xem. Do đó, cần phải liên tục theo dõi các chỉ số quan trọng, thử nghiệm nhiều cách tiếp cận khác nhau (A/B testing) để tìm ra được best practice cho giai đoạn này.

Kênh thường dùng: “Content is King”. Lưu ý rằng, tuy cùng 1 người xem, nhưng mỗi nền tảng thì họ sẽ có kỳ vọng khác nhau. Ví dụ, nếu họ đang lướt website, họ sẽ muốn nhiều thông tin tham khảo, và nếu họ lên Instagram, thì họ sẽ muốn xem hình ảnh ấn tượng hơn. Do đó, tùy mỗi nền tảng, chúng ta sẽ có các format khác nhau và cách truyền tải thông điệp khác nhau.

Chỉ số đo lường quan trọng:

  • CTR (Click Through Rate – Tỉ lệ click)
  • Engagement (tương tác trên mạng xã hội)
  • Bounce Rate (Tỉ lệ thoát, càng thấp càng tốt)
  • Time Spend (Thời gian mà người xem bỏ ra cho 1 sản phẩm truyền thông)

3. Search

Mục tiêu: tiếp cận khách hàng mục tiêu qua các Công cụ tìm kiếm

Tại sao lại là các Công cụ tìm kiếm?

Vì sẽ có khả năng rất cao, người dùng sẽ đi tìm kiếm thêm thông tin trước khi ra quyết định. Một số mối quan tâm của người dùng sẽ là: giá cả, khuyến mãi, chất lượng, thương hiệu, sự thuận tiện khi giao dịch, sự thuận tiện khi sử dụng, hậu mãi, chế độ bảo hành… Chúng ta cần đảm bảo rằng thương hiệu cần xuất hiện nhiều nhất có thể để giải quyết các thắc mắc, cân nhắc của khách hàng. Từ đó, chúng ta có thể dễ dàng “lôi kéo” khách hàng về phía mình, để tiến gần hơn đến các giao dịch.

Kênh thường dùng: Google Search, Công cụ tìm kiếm của các trang eCommerce, Công cụ tìm kiếm của Social Network

Nhiều bài viết hiện nay tương đối “out-of-date” khi chỉ nhắc đến Google (hoặc Bing) ở giai đoạn này. Ít nhất tới năm 2022, hành vi người dùng đã có nhiều thay đổi. Mặc dù Google vẫn là kênh tìm kiếm phổ biến nhất cho nhiều tiêu chí khác nhau, nhưng với tiêu chí “giá cả” thì người dùng tìm trên Shopee, Lazada, Tiki rất nhiều. Bên cạnh đó, nếu người dùng quan tâm đến “sự năng nổ”, họ sẽ tìm thông tin trên Facebook, Instagram, Tik Tok.

Chỉ số đo lường quan trọng:

  • Traffic từ Organic Search
  • Traffic từ Paid Search
  • Ranking (thứ hạng các từ khóa khi làm SEO)
  • Search Visibility (Chỉ số hiển thị trên Search)

4. Action

Mục tiêu: tạo ra chuyển đổi. Đây được coi là giai đoạn quan trọng nhất trong mô hình AISAS, là nơi đo lường kết quả cuối cùng của chiến dịch Marketing liên quan đến mục tiêu Business. Rất nhiều hạng mục tham gia vào giai đoạn này, với sự tập trung cao nhất.

aisas-marketing-6

Cách thức thường dùng:

  • Trong trường hợp nền tảng website/landing page/sàn eCommerce là công cụ chuyển đổi, thì những vấn đề liên quan đến nội dung, hình ảnh, kỹ thuật, call-to-action, form, contact button… trên website/landing page/sàn eCommerce phải được đầu tư và đo lường liên tục.
  • Trong trường hợp bạn bán hàng qua Facebook, bạn cần chú ý thêm về các mẫu trả lời tự động, cũng như thời gian tương tác nhanh nhất có thể để giữ sự tập trung của khách hàng.

Chỉ số đo lường quan trọng:

  • Conversion Rate (tỉ lệ chuyển đổi)
  • ROAS (Return on Ad Spend – Doanh thu trên chi phí quảng cáo)

Việc đo lường Conversion Rate cần phải làm rất chi tiết. Trên thực tế, người dùng có thể phải trải qua rất nhiều contact point khác nhau, chúng ta cần phải đo lường từng chuyển đổi nhỏ (micro conversion) và chuyển đổi tổng thể (macro conversion) để tìm ra được những vị trí có thể cải tiến hiệu quả.

5. Share

Mục tiêu: để người dùng chia sẻ sản phẩm truyền thông, hoặc hình ảnh thương hiệu. Đây là bước thường bị bỏ qua, có thể vì chúng ta quên, hoặc vì nó khá khó để thực hiện.

Cách thức thường dùng:

  • Kêu gọi khách hàng đã mua “lan tỏa sự tích cực” với những người xung quanh (có thể đi kèm những quà tặng ấn tượng).
  • Tạo không gian để khách hàng có hình ảnh “sống ảo” như nhà hàng, quán cafe, sân khấu…

Chỉ số đo lường quan trọng:

  • Share/Traffic (bao nhiêu người chia sẻ trên số người đã đến, có thể dùng cho online lẫn offline)

Những đặc điểm của mô hình AISAS

Mô hình AISAS tuy đơn giản nhưng lại hiệu quả, dễ sử dụng và dễ ra kết quả tốt. Các doanh nghiệp không cần phải có kiến thức quá cao siêu để có thể triển khai AISAS. Tuy nhiên, trong thực tế, các hoạt động Digital Marketing và hành vi của người dùng phức tạp hơn. Do đó, VIG chia sẻ một số điểm đặc biệt của mô hình AISAS để các bạn có thể sử dụng hiệu quả hơn.

AISAS là mô hình phi tuyến tính

Khách hàng trong mô hình AISAS không nhất thiết phải đi hết 5 bước từ trái qua phải. Họ có thể nhảy vào ở bất cứ giai đoạn nào, và cũng có thể dịch chuyển đến một giai đoạn khác ở bên trái. Ví dụ, một ai đó có thể tìm thấy thương hiệu từ Search. Sau khi đọc nhiều bài viết, người đó trở nên Interest với giải pháp của thương hiệu, rồi nhảy đến bước Share trước khi Action.

Vì sự không tuyến tính của AISAS, việc theo dõi, đo lường và tối ưu chuyển đổi cũng cần nhiều “chất xám” hơn. Tỉ trọng ảnh hưởng đến quyết định mua hàng ở mỗi giai đoạn khác nhau ở từng lĩnh vực, nên cần phân bổ đầu tư hợp lý. Bạn không thể áp dụng AISAS của bán lẻ vào AISAS của giáo dục mà mang lại cùng hiệu quả.

Kết hợp Share & Search để tạo ra viral

Điều thú vị của AISAS là Search & Share với Action ở giữa. Một khi có ai đó Share, tức là họ đã làm cho mình bước Awareness + Interest. Nếu số lượng Share tăng lên, sẽ có nhiều người đi Search hơn, sẽ tạo ra nhiều Action và Share hơn. Vòng lặp này chính làm Viral Marketing.

Ví dụ về mô hình AISAS

Ở phần nội dung tiếp theo, VIG sẽ đưa ra nhiều ví dụ trong việc triển khai mô hình AISAS trong Marketing ở những lĩnh vực kinh doanh khác nhau như Giáo dục, Dịch vụ, B2B, B2C. Đây là những ngành kinh doanh phổ biến hiện tại mà VIG đã có kinh nghiệm triển khai AISAS, thu được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên cũng cần phải lưu ý, mỗi doanh nghiệp khác nhau sẽ có rất nhiều đặc điểm khác nhau dù ở cũng lĩnh vực kinh doanh. Do đó, để triển khai mô hình AISAS hiệu quả, bạn cần phải điều chỉnh sự tập trung và phân bổ nguồn lực phù hợp.

AISAS trong Marketing Giáo dục

 

Đặc điểm của ngành giáo dục:

  • Sản phẩm trừu tượng, thường có giá trị cao và thời gian sử dụng lâu dài (một khóa học có thể kéo dài 1 – 3 tháng chưa tính hỗ trợ sau đó).
  • Khách hàng chủ động tìm hiểu nhiều thông tin trước khi ra quyết định.
  • Khách hàng sẽ so sánh các trường học, trung tâm, khóa học để tìm ra lựa chọn tốt nhất.
  • Uy tín của đơn vị đào tạo, người đào tạo rất quan trọng

Gợi ý triển khai Digital Marketing ngành giáo dục:

Trong giới hạn của bài viết này, VIG giả định các ý tưởng để lên Kế hoạch Digital Marketing dựa trên mô hình AISAS dành cho một trung tâm anh ngữ.

1. Awareness

  • Sử dụng Facebook Ads tiếp cận tập khách hàng phù hợp để truyền thông, tăng Awareness.
  • Đi 1 số báo lớn, có uy tín, để “làm đẹp hơn” hình ảnh của trung tâm. Những nội dung này ngoài việc tiếp cận người đọc báo, có thể sử dụng như tài nguyên cho các kênh truyền thông khác.
  • Xây dựng nội dung video ngắn, chất lượng cao để đăng trên Tik Tok.

2. Interest

  • Nội dung cho bước Awareness tập trung vào lợi ích của những kiến thức, môi trường, nâng cấp bản thân với những hình ảnh có độ uy tín cao: trung tâm uy tín, trường lớn, tên giảng viên chất lượng…
  • Có thể sử dụng nội dung liên quan đến mất mát nếu bạn không có những kiến thức này, đồng thời đề cập đến giải pháp của trung tâm.
  • Nêu bật những tính từ thể hiện được USP của Trung tâm, ví dụ như “đơn giản”, “chuẩn bản xứ”, “cam kết”…

3. Search

  • Người dùng tìm kiếm trung tâm có 3 nhóm:
    • Nhóm chưa biết mình cần gì, sẽ tìm kiếm chung chung “học tiếng anh giao tiếp”, “trung tâm tiếng anh quận 1” => đưa lợi ích, lộ trình phù hợp, chi phí hợp lý.
    • Nhóm biết mình cần gì, sẽ tìm kiếm những thông tin như “khóa học IELTS cấp tốc”, “luyện thi IELTS 6.5” => đưa lợi ích, phương pháp dạy, các case study thành công, chi phí hợp lý.
    • Nhóm đang so sánh các trung tâm với nhau, thường sẽ search tên thương hiệu như “IELTS trung tâm ABC”, “học phí trung tâm ABC” => đánh mạnh vào USP, kêu gọi học thử, đến trung tâm để tư vấn thêm.
  • Nội dung các khóa học trên website cần được trình bày như một Landing Page hoàn chỉnh, đủ 5W2H, đủ AIDA để người đọc có mọi thông tin trên trang, không cần phải tìm ở nơi khác dẫn đến giảm CTR.
  • Nội dung được tối ưu cho SEO, tối ưu cho nhiều thiết bị đọc khác nhau (Mobile/Tablet/Desktop).

4. Action

  • Action sẽ được sử dụng xuyên suốt các kênh truyền thông, với mục tiêu quan trọng nhất: thu thập lead.
  • Với các kênh Social Media, tìm cách để khách hàng inbox hoặc để lại comment.
  • Với website/landing page, tìm cách để khách hàng điền form

Trigger để khách hàng để lại thông tin có nhiều cách, hiệu quả và thường dùng nhất là 2 cách: tặng vouchertặng ebook. Sau khi có được lead, cần phải chuyển ngay cho bộ phận tư vấn và hệ thống email marketing để tiếp tục chăm sóc.

5. Share

  • Với những người chưa phải là khách hàng, có thể kêu gọi họ share lên profile để được nhận ưu đãi. Cách này khá khó kiểm soát.
  • Chủ động xây dựng case study học tốt, thi điểm cao của các học viên. Từ đó học viên có tư liệu để share, hoặc người quen của học viên sẽ share => Word of Mouth.
  • Thường xuyên tổ chức các sự kiện, để học viên chủ động share lên profile của họ với niềm vui, tự hào, tích cực.
  • Xây dựng chương trình học viên giới thiệu học viên, đăng ký theo nhóm để khuyến khích học viên chia sẻ.

Trên đây là những gợi ý quan trọng để bạn có được các ý tưởng cho một kế hoạch Digital Marketing ngành giáo dục dựa trên mô hình AISAS. Bạn có thể tùy chỉnh, thêm thắt theo tình hình thực tế ở đơn vị của mình. Bạn có thể xem thêm 1 bài viết chia sẻ case study về Marketing cho ngành giáo dục.

AISAS trong Marketing B2B

Đặc điểm của B2B:

  • Khách hàng quyết định mua sản phẩm/dịch vụ là doanh nghiệp, với sự tham gia của nhiều cá nhân ở nhiều bộ phận khác nhau.
  • Quy trình marketing và bán hàng có thể tốn nhiều thời gian (vài tuần hoặc vài tháng), có nhiều sự chuyên nghiệp và ít cảm xúc.
  • Cần sự tư vấn kỹ của người bán hàng, chế độ hậu mãi rõ ràng.
  • Giá cả và thương hiệu là tiêu chí quan trọng (bên cạnh các mối quan hệ cá nhân giữa người bán và người trong doanh nghiệp)

Gợi ý triển khai Digital Marketing B2B:

1. Awareness

  • Kênh tạo ra awareness hiệu quả nhất trong B2B chính là kênh Search sẽ nói ở phần 3.
  • Do nhiều cá nhân ở nhiều bộ phận tham gia vào việc quyết định mua hàng, bạn phải có những phương án tiếp cận khác nhau với từng loại người. Đối với Facebook, profile của founder/sale/expert hoặc các group chuyên môn sẽ tạo được awareness tốt hơn so với fanpage công ty.
  • Thường xuyên xuất hiện ở các hội thảo trong ngành của mình để xây dựng hình ảnh.

2. Interest

  • Tìm hiểu pain & gain, triggers & barriers của doanh nghiệp/phòng ban trong doanh nghiệp để xây dựng nội dung phù hợp “gãi đúng chỗ ngứa”.
  • Giải pháp trình bày rõ ràng, ngắn gọn, đi vào vấn đề.
  • Tận dụng các đối tác, khách hàng nổi tiếng để hỗ trợ thương hiệu của mình.

3. Search

  • Do cần phải tìm hiểu rất kỹ, thậm chí là phải tìm 3 đơn vị khác nhau để so sánh, nên kênh Search là kênh truyền thông rất hiệu quả, nhằm giải quyết các thắc mắc, nỗi lo của doanh nghiệp.
  • Sử dụng Inbound Marketing để xây dựng bộ tài nguyên hỗ trợ sale tư vấn khách hàng, và hỗ trợ khách hàng tự tìm kiếm thông tin. Từ đó, chúng ta sẽ educate được khách hàng theo cách của mình.
  • Có thể chủ động làm các bài viết so sánh giữa các giải pháp để hỗ trợ khách hàng, và chủ động đưa thông tin có lợi cho thương hiệu của mình.
  • Bằng cách sử dụng các website “trung lập” để khéo léo so sánh các thương hiệu với nhau, chủ động đưa ra thông tin có lợi cho thương hiệu của mình.

4. Action

  • Mục tiêu quan trọng nhất của Action chính là thu thập lead. Giá trị của lead trong B2B thường cao hơn nhiều so với trung bình các ngành.
  • Một số “thính” có thể “thả”: sử dụng miễn phí 14 ngày, đăng ký để xem cách hệ thống vận hành, tham gia các buổi workshop miễn phí, nhận tư vấn miễn phí…
  • Website/Lading Page cần trình bày chuyên nghiệp, đủ 5W2H, đủ AIDA để mang lại chuyển đổi tốt nhất

5. Share

  • Case Study thành công là giải pháp hiệu quả nhất, vì “người thật việc thật” rất có uy tín trong B2B.
  • Tổ chức các workshop, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã sử dụng giải pháp thành công chia sẻ kinh nghiệm của mình.
  • Sử dụng Affiliate Marketing để khách hàng giới thiệu khách hàng mới.
  • Xây dựng cộng đồng sử dụng giải pháp của thương hiệu mình kinh doanh.

AISAS trong Marketing Bán lẻ (B2C)

Đặc điểm của ngành bán lẻ (B2C)

  • Giá trị đơn hàng thường không lớn (trừ một số ngành như xe hơi, BDS…)
  • Một hoặc một vài người gần gũi với nhau đưa ra quyết định.
  • Tính cá nhân hóa, cảm xúc đóng vai trò lớn.
  • Nếu sản phẩm không có nhiều cảm xúc, thì giá rất quan trọng.
  • Khách hàng có thể tự tìm thông tin, mua hàng mà không cần tiếp xúc trao đổi với người bán.
  • Khách hàng dễ bị ảnh hưởng bởi truyền thông, hiệu ứng đám đông

Gợi ý triển khai Digital Marketing B2C:

1. Awareness

  • Thông thường, Social Media là kênh mang lại hiệu quả Awarness cao, bao gồm Facebook, Instagram, Tik Tok…
  • Bên cạnh đó, các reviewer, KOL, KOC là các phương tiện truyền thông tốt với những sản phẩm mới, bắt trend.
  • Live stream là một kênh truyền thông khác, nhưng cần phải có sự đầu tư nghiêm túc trước khi gặt hái được kết quả.

2. Interest

  • “Bắt trend” là một trong những trigger hiệu quả, vì đối tượng cá nhân dễ bị ảnh hưởng bởi truyền thông và hiệu ứng đám đông.
  • Với những ngành hàng low-involvement, hình ảnh đẹp + giá hấp dẫn sẽ mang lại tương tác và chú ý cao.
  • Với nhưng ngành hàng high-involvement, lợi ích + uy tín thương hiệu đóng vai trò lớn.

3. Search

  • Với những sản phẩm low-involement, kênh Google Search không quá quan trọng vì người dùng dễ hiểu sản phẩm ở bước Awareness & Interest, giá trị cũng không quá cao để cân nhắc kỹ.
  • Vì người dùng có thói quen tìm sản phẩm trên các sàn TMĐT, nên chức năng tìm kiếm trong các sàn đóng vai trò quan trọng. Bạn cần phải tối ưu hiển thị kết quả trên sàn hơn là trên Google.

4. Action

  • Vì khách hàng có thể mua hàng không cần tương tác nhiều với người bán, nên cần phải rút ngắn hành trình mua hàng để tránh bị nguội.
  • Mã giảm giá, hỗ trợ hoặc miễn phí giao hàng là những trigger hấp dẫn.

5. Share

  • Nếu các sản phẩm mang tính chức năng nhiều hơn cảm xúc, thì số lượng khách hàng chia sẻ câu chuyện thương hiệu của bạn sẽ không nhiều. Do đó, hãy hỗ trợ người dùng bằng các voucher tặng bạn bè, mua lại đơn hàng sau.
  • Tổ chức các chương trình có quà tặng để khách hàng chia sẻ.

AISAS trong Marketing Dịch vụ

Không giống như các sản phẩm hữu hình như ngành hàng B2B, ngành dịch vụ thường là các sản phẩm vô hình, mang tính trải nghiệm như dịch vụ thiết kế, chăm sóc mẹ & bé, digital marketing, chăm sóc cây xanh… Do đó, các triển khai AISAS cũng có những đặc điểm riêng.

Đặc điểm của ngành Dịch vụ:

  • Sản phẩm trải nghiệm, vô hình. Khách hàng chỉ sử dụng được sau khi đã thanh toán và 1 quá trình thực hiện.
  • Nhiều sản phẩm có sự cảm tính cao (thiết kế, thẩm mỹ…)
  • Khách hàng cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi ra quyết định.

Gợi ý triển khai Digital Marketing ngành Dịch vụ:

1. Awareness

  • Những kênh Push Marketing như Social Media, GDN đều mang lại hiệu quả, nhưng cần target tốt để không lãng phí ngân sách.
  • Nhiều dịch vụ không phải là dịch vụ cấp thiết, bạn cần tăng frequency lên để khách hàng thấy nhiều lần, từ đó kích phát được nhu cầu.

2. Interest

  • Hình ảnh đẹp, tích cực từ người sử dụng, hoặc sau khi sử dụng sản phẩm.
  • Có thể dùng before / after để nhấn mạnh sự khác biệt.
  • Khai thác sâu pain & gain của khách hàng.
  • Giữ chân khách hàng với Marketing bằng những nội dung chuyên nghiệp, thể hiện được sự uy tín, an toàn, đảm bảo.

3. Search

  • Vì ngành dịch vụ, khách hàng cần nhiều thông tin để thấy an tâm trước khi xuống tiền, nên bạn cần chuẩn bị nhiều nội dung và từ khóa để giải quyết càng nhiều càng tốt các vấn đề của khách hàng.
  • Khi người dùng tin vào Google Search và thấy nội dung của bạn, họ sẽ có niềm tin vào thương hiệu của bạn. Hãy educate khách hàng bằng những nội dung chất lượng.

4. Action

  • Mục tiêu quan trọng của Action là thu thập Lead. Từ đó bộ phận bán hàng sẽ tiếp tục hành trình chăm sóc & chốt sale.
  • Với các kênh Social Media, action sẽ là kêu gọi người dùng để lại comment, số điện thoại, inbox để được tư vấn chuyên sâu.
  • Với Website/Landing Page, action sẽ là lời kêu gọi điền form thông tin. Các trigger tốt là nhận ưu đãi nhanh, hoặc tặng thêm dịch vụ kèm theo (tạo hiệu ứng FOMO cho khách hàng).

5. Share

  • Trải nghiệm dịch vụ là một hành trình mang tính cảm xúc, hãy khuyến khích khách hàng chia sẻ hình ảnh trải nghiệm.
  • Tặng voucher cho khách hàng để họ giới thiệu bạn bè.

Tổng kết lại, mô hình AISAS là một mô hình Marketing hiệu quả ở nhiều lĩnh vực khác nhau. 5 giai đoạn của AISAS sẽ có nhiều touch point để bạn xây dựng các cách truyền thông phù hợp với tâm lý, hành vị khách hàng. Việc còn lại, bạn hãy thường xuyên áp dụng để tìm ra phương thức Marketing phù hợp nhất cho doanh nghiệp mình.

Nếu bạn muốn dược tư vấn kỹ hơn về AISAS, bạn có thể liên hệ với VIG để được hỗ trợ.

Nguồn tham khảo

Mục lục

Đăng ký kiểm tra
SEO website miễn phí

Bạn vui lòng điền đầy đủ thông tin bên dưới. VIG sẽ gửi kết quả kiểm tra qua email.

Lưu ý:
* Kết quả kiểm tra chỉ dành cho website tối đa 500 URL và sâu tối đa 3 click.
* Mỗi email chỉ được kiểm tra 1 website.
* Thời gian gửi kết quả khoảng 3 – 5 ngày qua email.
* VIG không chịu trách nhiệm trong việc sử dụng kết quả kiểm tra.
* Nếu có bất cứ vấn đề gì cần trao đổi, vui lòng liên hệ qua email support@vigdigital.com